Những ghi nhận Hổ vồ người

Trong lịch sử Việt Nam

Tranh cổ mô tả cảnh hai võ sĩ giác đấu thời La Mã đang chiến đấu với một con hổ

Trong lịch sử Việt Nam, vào thời Bắc Thuộc, văn hóa người Việt còn lưu truyền câu chuyện trước đó về việc Mai Thúc LoanPhùng Hưng đánh hổ. Mai Thúc Loan từ nhỏ khi đi kiếm củi cùng mẹ trong rừng thì phải chứng kiến mẹ ông bị hổ vồ chết. Hờn căm ngút trời, ông cầm rìu lao vào đánh nhau với mãnh thú, khiến con vật đau đớn phải bỏ chạy[52]. Ngoài ra, ở vùng Đường Lâm thuộc tỉnh Hà Tây có một con hổ dữ từ rừng về giết người, bắt gia súc, Phùng Hưng đã giết con hổ này.[53] Câu chuyện Phùng Hưng giết hổ đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng trong công trạng của Bố Cái Đại Vương.

Thời nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng do muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, đã cho nuôi dưỡng nhiều con hổ trong các chuồng cũi, và đặt ra hình phạt cho hổ ăn thịt để hành quyết phạm nhân[54]. Thời nhà Trần, Đại Việt sử ký có ghi lại sự cố diễn ra khi một con hổ đã tấn công vua Trần Nhân Tông trong một trận đấu giữa hổ và voi. Một con hổ lớn vằn đen vàng, lưng thẳng, bụng thon được quân lính khiêng một cũi sắt nữa vào chuồng đấu. Nhưng sự thực thì con hổ đã bị bỏ đói mấy hôm, khi thấy đông người, hổ nhe nanh gầm gừ đe dọa và bất ngờ con hổ thoát ra khỏi cũi rồi nhảy lên, lao về phía chỗ ngồi của vua Trần Nhân Tông cùng Hoàng hậu, phi tần và bá quan văn võ. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy, chỉ có Bảo Thánh tiến lên phía trước, xả thân che cho nhà vua, đối diện hổ dữ.[55]

Vào đời Hậu Lê có câu chuyện kể về việc con hổ nuôi của Nguyễn Hợp, cha của danh tướng Nguyễn Xí được giao nhiệm vụ canh giữ đơm tôm cá ở đập Hạng và lò muối để phòng chống ăn trộm, sau đó lúc đêm đó trời tối, trời chuyển mưa, khi ông Hợp trở về nơi đặt đó thì con hổ đang canh chừng ở đó phát hiện ra và lầm tưởng có kẻ gian đang ăn trộm cá của chủ mình, hổ liền lao thẳng vào vồ khiến ông Hội chết ngay tại chỗ.[56][57] Ở Miền Nam vào thế kỷ thứ XVIII, sử sách có ghi lại sự kiện hổ tấn công người dân. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Vào giữa ngày Tết năm 1771 cọp từ rừng Sác kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào Chợ Lớn gây kinh hoàng cho dân chúng,[18] trong đó có một con hổ to lớn, hung dữ, đang đói khát tìm mồi, một con trong số đó đã phóng tới và vồ một phụ nữ làm nghề vựa lá lợp nhà rồi tha xác nạn nhân về rừng và cuối tháng 4 cùng năm, hổ đã xông thẳng vào một nhà dân ở chợ Tân Kiểng và vồ hai đứa trẻ đang nằm ngủ trên giường đem đi. Nỗi khiếp hãi đã lên đến tột cùng, người dân ở chợ Tân Kiểng bắt đầu tính đến việc bỏ nhà đi lánh nạn.[58]

Vào đời nhà Nguyễn có tổ chức các trận đấu giữa hổ và voi tại hổ quyền, dưới thời Gia Long, có một trận đấu mà con hổ to lớn khác thường và khi cửa chuồng vừa mở, nó đã vọt như một mũi tên ra xa, kề sát bên voi, quật ngã ngay quản tượng và ông này bị chính con voi của mình giẫm chết lúc hoảng loạn. Lúc này con voi thứ hai được đưa ra đấu trường, trên lưng voi có các binh sĩ cầm khí giới bảo vệ voi và quản tượng. Hổ vờn vài hiệp, rồi cố gắng xé rào tìm lối thoát, ba bốn khán giả bị hổ vồ cấu xé bị thương. Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con hổ và nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời.

Năm Nhâm Thìn (1832), ở phường Thiên Thọ nằm phía Tây Kinh thành Huế xuất hiện một con hổ cực kỳ hung dữ, đã giết nhiều người và súc vật của dân chúng. Vua Thiệu Trị đã ra chiếu sức 400 thanh niên trai tráng của làng Thủy Ba vào bắt hổ, cũng dưới thời vua Thiệu Trị, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) có vụ việc bà Huỳnh Thị Nghĩa, người huyện Quảng Phước cùng chồng vào núi kiếm củi thì gặp gười chồng bị cọp vồ, bà lấy dao chém cọp cứu chồng nhưng khi cứu được chồng rồi, bà lịm người và mất. Cảm phục nghĩa khí của người phụ nữ, vua ra lệnh ban thưởng cho bà. Người dân tiếc thương bà nên lập miếu ở xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa ngày nay, còn gọi là miếu Ông Hổ.[59]

Những chuyện kể ở Việt Nam

Đã có những tường thuật, những câu chuyện kể lại của người dân ở Việt Nam về các vụ việc việc hổ tấn công và ăn thịt người, theo đó có nhiều vụ việc hổ mò vào các bản làng ở miền núi, các vùng dân cư ở đồng bằng để bắt gia súc, gia cầm và thậm chí còn táo tợn phục kích, tấn công và ăn thịt cả con người, gây tổn thất vật chất cùng tâm lý lo sợ cho nhân dân. Chuyện hổ ăn thịt người không hiếm, gây kinh sợ cho dân làng.[60][61] Người ta lưu truyền lời đồn rằng hổ ăn thịt người thường nhìn trăng, mặc dù có thể giết nhiều người một lúc, nhưng nó lại ăn làm nhiều lần. Nếu là trăng đầu tháng thì nó ăn đầu người, vào những ngày giữa tháng, trăng tròn (ngày rằm), thì nó sẽ ăn phần giữa cơ thể, phần bụng, nó xé bụng, phanh ngực ăn phần nội tạng và cuối tháng thì ăn phần chân.[62] Ăn không hết, nó bỏ đi, khi nào đói tiếp tục quay lại ăn, ăn no, nó giấu xác để hôm sau tìm đến ăn tiếp, xác người càng thối, nó càng khoái khẩu. Vì thế, nếu con mồi bị cướp, đem chôn, nó sẽ tìm cách bới lên để ăn tiếp.[62][63]

Những câu chuyện kể về hổ, loài thú gieo rắc nổi khiếp sợ cho làng bản ở miền sơn cước

miền Bắc Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, khi những cánh rừng già ở xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) còn hoang dại, nhà của người Hà Nhì còn lưa thưa thì hổ đã gieo rắc tai ương cho con người ở đây, hổ vào bản bắt trâu, , lợn, ngựa tha về rừng ăn thịt, thậm chí chúng còn dám đặt con người là mục tiêu săn mồi như những vụ việc xảy ra vào năm 1972 và năm 1977,[64] Ở xã Mường Đăng và Ngối Cáy thuộc Mường Ảng, Điện Biên, có thông tin một con hổ rừng chuyên ăn thịt người vừa vượt biên từ Lào sang làm người dân không dám đi rừng, học sinh bỏ học hàng loạt, nhiều tin đồn rằng ở Lào nó từng giết thịt gần chục người và khi sang khu vực biên giới Mường Chà, nó đã ăn thịt hai mạng người nữa, con hổ thành tinh ấy vốn là vật cưng của một lâm dân nào đó thuộc huyện Mường Chà bị xổng chuồng.[65]

Người dân ở Mường Lát, Thanh Hóa thì rất kinh sợ khi hổ về bản và ăn thịt người[66] tại núi Pù Luông - Cúc Phương, người dân Mường Mõ kể lại rằng nhiều người bỏ mạng vì hổ.[67] Vào năm 1955, tại xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa nơi người Mường sinh sống có sự việc một người sơn tràng bị hổ vồ chỉ bằng một cú ngoạm chí mạng vào sau gáy, khi người ta tìm được xác nạn nhân thì thấy xác lấm lem đất, bê bết máu me, quần áo rách rưới tả tơi, cả hai chân đã bị gặm nham nhở đến hết đùi.[68] Ở bờ thượng nguồn của sông Mã thuộc miền Tây Thanh Hóa, có những ngôi mộ được xếp xung quanh rất nhiều phiến đá lớn dựng đứng. Người Mường, Thái ở địa phương gọi đó là mộ của những người xấu số bị hổ vồ.[69] Ở cũng vùng Thành Hóa, người địa phương và người Mường còn lưu truyền câu chuyện hổ xám ăn thịt người ở Thanh Hóa, là một huyền thoại về oai linh thần hổ ở vùng Thạch Thành thuộc tỉnh Thanh Hóa. Con hổ xám này đã tạo nên cuộc tàn sát người khắp xứ Thanh với số lượng nạn nhân hơn cả chục người đặc biệt là những vụ việc tấn công và ăn thịt người của nó thường xuyên nhắm vào những người trong gia tộc họ Đinh qua nhiều thế hệ trong vùng này (bảy người), những câu chuyện kể lại này có nhiều yếu tố thêu dệt của những người dân địa phương.[70]

miền Trung Việt Nam, ngày trước ở vùng Thủy Ba, Vĩnh Linh, Quảng Trị, có rừng già với nhiều thú dữ, nhiều nhất là hổ. Hổ rình rập quanh làng, bắt người và trâu, bò. Người ta kể rằng có nhiều con khôn ranh đến nỗi đêm đến sục vào khu dân cư, dùng đuôi gõ cửa nhà, chủ nhà tưởng có người kêu, dậy mở cửa là bị hổ vồ,[71] hổ nhiều lần mò vào tận làng bắt người tha vào rừng ăn thịt. Đã có hàng trăm người dân bị chết thảm. Nhiều người hổ chỉ ăn một nửa, một nửa thi thể thả lại giữa rừng rậm, có người bị hổ vồ hụt khiến tàn tật suốt đời. Đã có nhiều người làng bỏ mạng vì bị hổ vồ rồi tha vào rừng, mấy ngày sau, người làng mới phát hiện một vài phần thân thể sót lại ở cạnh khe, suối trong rừng. Trong những con hổ đặc biệt là con hổ 3 chân chuyên ăn thịt người ở làng, người ta cho biết sau khi con hổ trên bị bắn mất một chân, nó đã trở lại vùng rừng già Thủy Ba để tìm người trả thù, người làng gắn cho nó biết danh là ông thọt.[16] Con hổ này rất tinh khôn, hàng đêm nó mò về làng rình ở những đoạn đường làng có bụi rậm, cây cối um tùm chờ người đi qua để nhảy ra vồ.

Tại bản Cu Dơn thuộc Hướng Lộc, Hướng Hóa, Quảng Trị vào những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, từng xuất hiện một đôi hổ đực và hổ cái, là đôi bạn tình. Khi đó, đang là mùa giao phối nên chúng đi cùng nhau, đêm nào cũng mò vào bản Cu Dơn bắt vật nuôi, thậm chí bắt người, có người còn nhìn thấy con hổ cái quắp con lợn 60 kg vọt qua hàng rào cao 3 mét nhẹ nhàng như gió thoảng. Hổ cái rất hung dữ, hổ đực rất to lớn. Hai con hổ này đã bắt mất 10 người, gây hoang mang tột độ cho người Vân Kiều ở Cu Dơn, cứ nhập nhoạng tối không ai dám thò chân xuống cầu thang.[46]

Hổ thường về làng bản bắt trâu, bò, heo và ăn thịt cả người

Tại làng Đồn, xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình có câu chuyện về một con hổ to như con bò về phá Hạc Hải tìm nước uống. Khi phát hiện người mà muốn ăn thịt, nó phục kích, lao vào vồ ngã một nạn nhân, dùng nanh lật lên mảng da đầu từ trán ra phía sau, máu nạn nhân chảy lênh láng. Không ngờ một cô gái 15 tuổi dùng đòn gánh xông đến đánh mạnh 2 phát vào đầu hổ khiến nó lồng lên, gầm một cái, định tấn công vào cô gái nhưng bị cô đánh tới tấp, không cho lấy đà nên hổ bỏ chạy về hướng núi.[72] Một con hổ khác, to như con bò, về sông Nhật Lệ rình bắt ba đứa trẻ thì bị một cô gái tuổi 17 khác vẫn với đòn gánh bé nhỏ đánh chết nó. Con hổ ở trong lùm cây rậm rạp đang rình vồ mồi và cô ta đã dùng đòn triêng đánh con hổ mấy phát vào chẩm trán, con hổ gầm lên lao vào tấn công cô, nó dùng độc cước sơn lâm, tát vào mặt, cổ, tai, làm cô chảy máu nhưng cô ngồi thụp người xuống, con hổ lao tới, bị đòn triêng thúc nặng vào ức sau đó đã bị đánh chết[72]

Tại xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, những năm sau chiến tranh, trên dãy núi Trường Sơn rậm rạp nơi giáp với nước Lào có một đàn hổ lớn rất hung dữ với bảy con, từng bắt nhiều người dân ở các bản làng vùng biên giới để ăn thịt. Chúng từ khu rừng Hinậm Nô (Khăm Muộn-Lào), nhiều thợ săn già cho rằng chúng là những con hổ như đã thành tinh, không để con người biết được dấu vết đi lại trong rừng. Đặc biệt vào tháng 8 năm 1978, trong lúc đang khai hoang phát rẫy, 9 người dân ở xã Thượng Trạch đã bị một con hổ hổ đực lớn cụt đuôi, to bằng con bò, vồ chết; nó ăn thịt 1 người còn 8 người khác bị tha đi nhiều nơi.[73] Một tin khác cho biết có bảy người đàn ông và 1 phụ nữ bị nó giết chết bên đường 20 với một nhát cắn vào cổ, một cái tát vào mặt, xác những nạn nhân bị hổ tha về mỏm đất nơi có mỏ nước phun tự nhiên để chúng cất giấu thức ăn và uống nước.[74]

Tại vùng vùng núi Tiên Cảnh và các vùng xung quanh đó như Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên ChâuHuế, ngày xưa gọi chung là trấn Thăng Bình, tại đây, hổ không chỉ kiếm ăn trên rừng mà còn về tận thôn làng, gây nên bao tai họa và cả nỗi khiếp đảm. Người dân cũng từng kinh hoàng chứng kiến một người phụ nữ đi làm nương rẫy trên đường về bị hổ giết hại, người ta phát hiện ra cả thi thể người chỉ còn lại duy nhất cái đầu be bét máu, một vụ việc khác khi một nhóm thanh niên trong làng sau khi đi chơi về ngang qua một khúc cua nhỏ gần bờ suối thì một con hổ dữ nặng hàng trăm kg từ trong bụi cây gần đó xuất hiện, nhe nanh gầm thét và nhanh như chớp nhảy phốc lên, chân trước đầy nanh vuốt táp một nạn nhân nằm gục ngay tại chỗ. Nỗi sợ hổ từ đó trong dân chúng khắp vùng ngày càng tăng lên và vì ám ảnh bị hổ dữ giết hại, gọi là hổ chúa thành tinh nên nhiều gia đình đã phải lũ lượt kéo nhau bỏ xứ ra đi. Nỗi sợ hãi ấy đã khiến người dân Tiên Cảnh tôn sùng loài ác thú này như thần thánh.[37]

Ở vùng Dùi Chiêng, Quảng Nam, người dân từng có nỗi khiếp sợ khi hổ liên tục xuất hiện, gầm gừ, ăn thịt cả người và gia súc mỗi khi chúng bắt gặp, người đi làm trên núi bị hổ ăn thịt nhiều đến mức hàng loạt người phải bỏ gánh giữa đường vì khiếp sợ không dám đi tiếp, họ phải đi từng đoàn người để tránh hổ ăn thịt,[75] làng Lộc An, hay còn gọi Lộc Yên, thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam người dân kể lại rằng xưa kia khu vực này rậm rạp, thâm u, hổ kéo về rất nhiều. Đêm đêm chúng thi nhau gầm rung chuyển cả núi rừng, rồi mò vào tận các làng mạc bắt heo, trâu, bò ăn thịt khiến người dân lập ra đội săn bắt hổ.[76] Cho đến những năm 2008, ở vùng dọc sông Leng, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam vẫn còn lo lắng, hoang mang về câu chuyện hổ quật xác người chết vừa mới chôn để ăn thịt và lại xuất hiện tại đây, một xác người chết ở thôn 3 vừa chôn tại một khu rừng ma đã bị hổ đánh mùi tìm đến và đào lên ăn, chỉ còn lại duy nhất phần đầu, ban đêm bà con chẳng mấy ai dám đi ra ngoài vì sợ hổ tấn công mỗi khi thấy dấu chân hổ xuất hiện, người dân các làng sống dọc sông Leng bắt đầu cửa đóng then cài.[77]

Khánh Hòa có câu chuyện năm 1969, có một phụ nữ thức dậy để nấu nước vô trùng dụng cụ y tế lúc sáng thì bị một con hổ nhảy xổ vào cắn lấy vai trái, định quắp tha đi nhưng cô cố bám vào là la lớn, một thanh niên tay cầm sẵn rựa tiếp cứu khiến con hổ bỏ đi, nạn nhân máu tuôn xối xả và lả người đi. Con hổ đau quá nên buông miếng mồi, nó chằm chằm gườm đối thủ một lát rồi lẳng lặng tháo lui.[59]

Một đôi hổ

Ở vùng Tây Nguyên, Kon Tum, còn có câu chuyện kể về thời điểm năm 1943 tại phường Quang Trung, thuộc Kon Tum có một con hổ trắng ba chân rất hung dũ, bên cạnh việc tấn công các loài thú trên rừng và gia súc thì hổ trắng ba chân còn tấn công và ăn thịt người khi thức ăn khan hiếm, tuy vậy một lần lọt vào ngôi chùa thì bỗng nhiên nó lại trở nên hiền lành, cảm hóa khi nghe những tiếng Kinh Phật, hổ trắng đã bỏ đi và không trở lại[78] Vào những năm 1970, có những câu chuyện kể về việc, hổ vào các làng người Ba Na, phục kích những lối mòn có người và súc vật hay qua lại để vồ mồi. Người ta còn kể rằng có khi sau những trận đánh trên đường 19, xác của người chết trận chưa kịp đem đi chôn thì hổ đã mò ra cướp, rồi hổ vồ cả những cán bộ, giao liên trên đường công tác, hổ đã trở thành nỗi sợ hãi của những người giao liên.[79] Vào năm 2008, một đàn hổ xuất hiện trên địa bàn xã Đăk Blô, Đăk Glei, Kon Tum, bắt 15 con trâu bò của bà con làng Bung Tôn và Bung Kon. Từ năm năm 2003, hổ về đây bắt năm con trâu bò của dân làng, bị dân xua đuổi quyết liệt đã bỏ đi. Đợt đầu tiên chúng bắt hết 10 con bò của 7 gia đình, sau đó ăn thịt tiếp tiếp năm con cả trâu lẫn bò, đặc biệt có con trâu nặng hơn cả tạ mà hổ ăn hết, khi phát hiện chỉ còn lại mấy miếng xương.[80]

Miền Nam Việt Nam, gia phả họ Đặng (xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày, Bến Tre) ghi chép rằng khoảng giữa thế kỷ XVIII, bà cụ tổ tên là Hến dẫn hai người con từ Huế vào Giồng Trôm lập nghiệp, nhưng khi đến nơi, cọp vồ hết một người, nên bà phải dời qua ở Mỏ Cày. Gia phả họ Ngô (Hương Mỹ, Mỏ Cày, Bến Tre) có ghi vào khoảng thế kỷ 18, ông Ngô Quang Thanh đến khẩn hoang vùng đất nay gọi là ấp Phú, thì người con của ông là Ngô Quang Thiều bị cọp vồ chết. Gia phả họ Đoàn (Ba Tri, Bến Tre) thì lại ghi ông cố bị cọp ăn mất xác.

Tại vùng Thới Bình, tỉnh Cà Mau người dân cho biết có câu chuyện dòng họ Huỳnh có hai người bị hổ moi tim, vì sự cố bị hổ ăn thịt năm xưa nên người dân đã đổi toàn bộ họ Huỳnh thành họ Phan và lập miếu thờ ông cả cọp, hằng năm làm heo cống nạp để cầu được bình an.[61] Con hổ huyền thoại đó được gọi là cọp ba chân, người ta đồn, con hổ này bị vướng bẫy heo rừng của thợ săn, và để thoát thân nó đã cắn bỏ một cái chân và sau đó về tấn công trả thù dân làng.[61] Một câu chuyện khác về cọp ba chân cũng được lưu truyền tại xã Tân Thành, Cà Mau, đây là một con hổ to như bò mộng, nó rất táo bạo, thường xuyên mò về làng, ngồi núp để chụp trâu, bò, lợn của dân. Trong một lần, chụp con trâu mộng to, con trâu chống cự húc lại, khiến con hổ này gãy chân, nên chỉ còn 3 chân, Cọp ba chân không còn nhanh nhẹn, không săn được thú, nên nó lại càng thường xuyên về làng bắt trâu, bò, thậm chí cả người.[81]

Những tường trình

Hổ Champawat

Bài chi tiết: Hổ cái Champawat
Cảnh một con hổ vồ người

Nepal, vào đầu những năm 1900, có một con hổ Bengal cái từng trở thành nỗi kinh hoàng ở Nepal với việc giết 200 người ở quốc gia này, trước khi tới làng Champawat, huyện Kumaon thuộc bang Uttarakhand ở miền bắc Ấn Độ và nó vẫn tiếp tục giết người ở đây, nâng tổng số người chết dưới móng vuốt của mình lên đến 436 người chỉ trong tám năm. Con hổ này cuối cùng đã bị tiêu diệt bởi tay thợ săn huyền thoại Jim Corbett vào năm 1907[82][83].

Con hổ Champawat được xem là quái thú ăn thịt người đáng sợ nhất trong lịch sử. Nó sẵn sàng đi săn vào ban ngày, tiếp cận khu dân cư để tấn công người và vật nuôi khiến hàng trăm người hoang mang sợ hãi, trốn trong nhà không dám ra ngoài làm việc, thậm chí bỏ cả nhà cửa để tránh sang những khu vực khác an toàn hơn. Quyết tâm chấm dứt sự hoành hoành của con hổ này, chính phủ đã treo thưởng rất cao cho bất cứ ai có thể tiêu diệt con hổ, giải cứu người dân nhưng cũng như những lần trước, sự tinh quái vẫn giúp nó trốn thoát khỏi tầm ngắm của vô số thợ săn. Cuối cùng, người ta phải tìm đến thợ săn hàng đầu lúc bấy giờ, ông Jim Corbett, một thợ săn người Anh sinh ra tại Ấn Độ. Jim Corbett lùng sục các vùng quê hàng ngày để tìm con hổ cái, nhưng thất bại. Sau đó có thông tin về một nạn nhân mới là một cô gái 16 tuổi đã dẫn ông ta đến hiện trường và ông lùng theo vệt máu của nạn nhân mà con hổ để lại khi nó kéo nạn nhân mới nhất băng qua rừng già.

Corbett thuê những người đàn ông từ một làng kế bên, tạo thành hàng trăm người cùng đánh trống để con hổ chạy về hướng ông ta, ông đã bắn con hổ cái này hai phát súng và giết chết nó. Theo khám nghiệm thân thể thì con hổ cái này bị thợ săn bắn bắn trọng thương trước đó làm gãy 2 răng nanh cùng với chứng đau răng thường xuyên khiến nó không thể bắt được những con mồi khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và phải quay sang tấn công con người.

Hổ Chowgarh

Cũng ở Ấn Độ, còn có cặp hổ Chowgarh đó là một con hổ mẹ đã già và một con hổ đực chưa trưởng thành, hai mẹ con đã cùng nhau giết chết ít nhất 64 người trong 5 năm ở huyện Kumaon thuộc Bắc Ấn Độ trên một khu vực trải dài 1.500 dặm vuông (3.900 km2). Tuy nhiên, các số liệu không chắc chắn, vì người bản địa của các khu vực mà cặp hổ thường lui tới đã cho rằng số nạn nhân phải gấp đôi và số liệu cũng không tính đến các nạn nhân sống sót sau các cuộc tấn công trực tiếp nhưng đã chết sau đó. Đến năm 1930, thợ săn Jim Corbett cũng giết chết cả hai. Sau khi hổ mẹ chết, Corbett thấy vuốt của nó và một răng nanh bị gãy, và răng hàm trước bị mòn, điều này cũng giống như con hổ cái làng Champawat, những khiếm khuyết này có lẽ làm cho việc săn lùng các con mồi tự nhiên trở nên rất khó khăn.[84]

Hổ Segur

Xác của con hổ Segur, bị giết bởi Kenneth Anderson dọc bờ sông Segur

Hổ Segur là một con hổ đực trẻ được biết đã giết chết 5 người ở vùng đồi Nilgiri thuộc bang Tamil Nadu ở phía nam Ấn Độ. Mặc dù có nguồn gốc từ quận Malabar và quận Wayanad bên dưới mặt tây nam của dãy núi Nilgiri, con hổ sau đó đã chuyển địa bàn hoạt động của nó sang Gudalur và giữa cao nguyên Sigur và Anaikatty ở quận Coimbatore. Nó đã bị giết bởi thợ săn Kenneth Anderson trên bờ sông Segur, vào khoảng năm 1954. Anderson sau đó đã tiết lộ rằng con hổ này bị khuyết tật và điều đó đã ngăn nó săn những con mồi tự nhiên.

Kẻ ăn thịt người Thak

Kẻ ăn thịt người Thak là một con hổ cái sống ở tỉnh Đông Kumaon, nó chỉ giết 4 nạn nhân, nhưng là cuộc săn lùng cuối cùng của thợ săn, nhà bảo tồn và tác giả Jim Corbett. Corbett gọi nó dậy và giết ngay lập tức trong hoàng hôn muộn, sau khi ông mất tất cả các phương tiện khác để theo dõi con vật. Postmortem tiết lộ rằng con hổ này có hai vết thương do súng cũ, một trong số đó đã bị nhiễm trùng. Điều này, theo Corbett, buộc con hổ phải biến mình từ một động vật ăn thịt bình thường chỉ săn những con mồi tự nhiên thành một kẻ ăn thịt người.

Hổ Mundachipallam

Hổ Mundachipallam là một con hổ Bengal đực, mà trong năm 1950 giết 7 người ở vùng lân cận của làng Pennagram, cách thác Hogenakkal bốn dặm (6 km) ở quận Dharmapuri của Tamil Nadu. Không giống như con hổ ăn thịt người Champawat, hổ Mundachipallam không có bệnh tật nào được biết đến có thể ngăn cản nó săn những con mồi tự nhiên. Ba nạn nhân đầu tiên của nó đã bị giết trong các cuộc tấn công chưa được điều tra, trong khi các nạn nhân sau đó bị nuốt chửng. Con hổ Mundachipallam sau đó đã bị giết bởi Kenneth Anderson.

Kẻ ăn thịt người Bhimashankar

Một câu chuyện được phát hiện bởi tác giả Suresh Touchra Warghade có trụ sở tại Pune khi anh gặp một người dân làng già trong khu rừng Bhimashankar nằm gần Pune. Dân làng giải thích với tác giả về việc một con hổ ăn thịt người đã khủng bố toàn bộ khu vực Bhimashakar trong khoảng thời gian hai năm vào thập niên 1940. Anh ta là một cảnh sát ở khu vực đó và anh ta chịu trách nhiệm xử lý các thủ tục xung quanh cái chết (báo cáo người mất tích và giấy chứng tử) và các công việc khác như giúp đỡ các nhóm thợ săn bắn. Trong thời gian này, con hổ được cho là đã giết hơn 100 người, nhưng rõ ràng là nó rất cẩn thận để tránh bị phát hiện; chỉ có 2 thi thể được tìm thấy. Một số cuộc săn bắn đã được tổ chức, nhưng người duy nhất thành công là một thợ săn ở Ambegaon tên là Ismail. Trong nỗ lực đầu tiên của mình, Ismail đã đối đầu trực tiếp với con hổ và sắp giết được nó. Sau đó, ông đã gọi cho Kenneth Anderson. Họ trở lại và giết chết con hổ ăn thịt người này. Con hổ chủ yếu giết những dân làng ngủ ngoài túp lều.

Tính xác thực của câu chuyện mà dân làng kể lại đã được xác nhận khi Warghade kiểm tra các báo cáo chính thức, bao gồm cả giấy chứng nhận do chính quyền Anh cấp cho việc giết chết con hổ ăn thịt người.

Hổ Tara của Vườn quốc gia Dudhwa

Bức ảnh lập thể (1903) của một con hổ ăn thịt người bị bắt ở Kolkata trong vườn thú Calcutta. Con hổ này trước đó đã tấn công và ăn thịt 200 nạn nhân.

Trong khi Sundarbans đặc biệt nổi tiếng với các cuộc tấn công của hổ, vườn quốc gia Dudhwa cũng có một số con hổ đã ăn thịt người vào cuối những năm 1970. Cái chết đầu tiên là vào ngày 2 tháng 3 năm 1978, theo sau là 3 vụ giết người khác.

Dân chúng yêu cầu hành động từ chính quyền. Người dân địa phương muốn những con hổ ăn thịt người phải bị bắn hoặc bị đầu độc. Các vụ giết và ăn thịt người tiếp tục diễn ra. Các quan chức sớm bắt đầu tin rằng thủ phạm có khả năng là một con hổ tên là Tara. Nhà bảo tồn Billy Arjan Singh đã đưa chú hổ sinh ra ở Anh từ Sở thú Twycross và nuôi nấng nó ở Ấn Độ, với mục đích thả nó trở lại tự nhiên. Các thí nghiệm của ông cũng đã được thực hiện trên báo với một số thành công.

Các chuyên gia cảm thấy rằng Tara sẽ không có các kỹ năng cần thiết và kỹ thuật săn bắn chính xác để sống sót trong tự nhiên và tranh cãi xung quanh dự án. Nó cũng kết hợp với những con hổ đực với việc tìm kiếm thức ăn và sự thoải mái, điều này làm tăng khả năng con hổ sẽ tiếp cận các ngôi làng. Các quan chức sau đó đã bị thuyết phục rằng Tara có xu hướng muốn bắt những con mồi dễ dàng hơn và do đó trở thành một kẻ ăn thịt người. Tổng cộng có 24 người đã thiệt mạng trước khi con hổ bị bắn. Singh cũng tham gia cuộc săn lùng với mục đích xác định kẻ ăn thịt người, nhưng xác nhận chắc chắn về danh tính của con hổ không bao giờ được tìm thấy. Cuộc tranh luận về danh tính của con hổ đã tiếp tục trong những năm kể từ các cuộc tấn công. Những người ủng hộ Singh tiếp tục tuyên bố rằng con hổ không phải là Tara và nhà bảo tồn đã đưa ra bằng chứng cho tác động đó. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng con hổ chắc chắn là Tara.

Những kẻ ăn thịt người khác từ Công viên Quốc gia Dudhwa đã tồn tại, nhưng con hổ này có khả năng là con hổ được nuôi nhốt đầu tiên được huấn luyện và thả ra ngoài tự nhiên. Cuộc tranh cãi này gây nghi ngờ về sự thành công của dự án xây dựng lại của Singh. Các vấn đề tại Dudhwa đã không đáng kể trong vài năm qua. Các cuộc tấn công hổ thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng chúng không cao hơn tại các khu bảo tồn động vật hoang dã khác. Trung bình, hai dân làng bị tấn công tại khu bảo tồn hổ Ranthambhore mỗi năm. Những cuộc tấn công này thường xảy ra trong mùa gió mùa khi người dân địa phương vào khu bảo tồn để cắt cỏ.

Hổ Moradabad

Vào tháng 2 năm 2014, các báo cáo nổi lên rằng một con hổ đã giết chết 7 người gần Vườn quốc gia Jim Corbett. Con hổ cái sau đó được gọi là kẻ ăn thịt người ở Moradabad, bởi vì nó đang đi săn ở vùng Bijnor và Moradabad. Con hổ không bị theo dõi dù có khoảng 50 bẫy camera và một máy bay không người lái. Vào tháng 8 năm 2014, có thông tin rằng hổ đã ngừng giết người. Nạn nhân cuối cùng của nó đã bị giết vào tháng Hai, với tổng cộng 7 nạn nhân. Con vật vẫn chưa được bảo vệ.

Hổ Yavatmal

Giữa năm 2016 và 2018, một con hổ cái tên là là T-1 được cho là đã giết chết 13 người ở quận Yavatmal, thuộc bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Con hổ đã bị bắn chết sau một cuộc săn quy mô lớn vào tháng 11 năm 2018. Con hổ đã bị giết để tự vệ, khi vẫn hung hăng tấn công những người đang cố gắng trấn an nó.

Cuộc săn lùng con hổ bao gồm hơn 100 bẫy camera, mồi dưới hình dạng ngựa và dê bị trói trên cây, giám sát suốt ngày đêm từ bục cây và tuần tra vũ trang. Máy bay không người lái và tàu lượn cũng được sử dụng để thử và định vị T-1. Các quan chức động vật hoang dã cũng đã mang theo chai nước hoa Obsession for Men của Calvin Klein, trong đó có chứa một loại pheromone của cầy hương, sau một thí nghiệm ở Mỹ cho rằng nó có thể được sử dụng để thu hút báo đốm.

Cọp ba móng

Bài chi tiết: Cọp ba móng

Theo những báo cáo ghi nhận được, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, có một con hổ Đông Dương được gọi là cọp ba móng hoành hành dọc hữu ngạn sông Đồng Nai đã vồ chết và ăn thịt 128 người, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho dân cư nơi đây. Con cọp này được đánh giá là "nguy hiểm hơn một đại đội biệt kích Pháp"[85] và đã tạo nên một huyền thoại về cọp Ba Móng. Con cọp này dài khoảng 3 m,[86] nặng trên 150 kg[87] phần dưới cổ và bụng trắng như bông, lông nửa vàng nửa xám, nó có thể nhảy qua rào cỡ hai thước và có thể cõng một con trên lưng chạy đi hàng km.[88] Cọp có một chân bị thọt và vô cùng tinh ranh, nó cũng bắt chước giọng hú, lần dấu tìm người bị lạc, vồ mồi ăn thịt.[89] Đây là một con cọp già, bị sứt móng, vì sức yếu, không còn nhanh nhẹn nên không bắt được mồi, nó đành ăn xác tử sĩ. Sau đó quen mùi nên mò về làng bắt người.[85] Địa bàn hoạt động của cọp chủ yếu tại khu rừng miền Đông Nam Bộ Việt Nam (tại chiến khu Đ). Cùng một lúc, cọp xuất hiện ở nhiều nơi như Cây Chanh, Hàng Dài, Ba Hố, Đất Cuốc, Suối Đỉa. Chỉ chưa đầy 2 tháng, nó đã cướp đi hơn 50 mạng người. Có thông tin ước tính con cọp này đã ăn thịt trên 100 người.[87] Trang tin điện tử của chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng trước khi bị bắn hạ, nó đã ăn thịt đến 106 người.[86]

Tập tin:Cop ba móng.jpgXác của Cọp ba móng

Những sự việc khác

Trong những năm chiến tranh Việt Nam, theo ghi nhận của quân đội Hoa Kỳ, những vụ hổ tấn công lính Mỹ gia tăng rất nhiều. Nguyên do là chúng đã quen ăn xác người trong chiến tranh không được chôn cất. Và khi đã được nếm mùi thịt người, chúng sẵn sàng tấn công cả lính Mỹ[90] Cụ thể là một số sự việc được báo cáo như: Vụ một con hổ tấn công lính Mỹ ở gần biên giới Việt - Lào, một nhóm tuần tra sáu người thuộc tiểu đoàn 3 trinh sát của thủy quân lục chiến Mỹ tại Quảng Trị đã bị một con hổ lớn tấn công và gây thương tích cho một lính Mỹ, người lính bị hổ vồ này buộc phải chuyển đến bệnh viện quân y ở Quảng Trị trong tình trạng của được coi là khá nghiêm trọng.

Báo cáo nêu chi tiết về sáu lính Mỹ này sau khi hoàn tất nhiệm vụ quan sát gần căn cứ hỗ trợ hỏa lực Alpine, khoảng 10 km về hướng đông của biên giới Lào, đang chờ máy bay đến bốc đi. Thời tiết xấu khiến máy bay không đến ngay được và cả nhóm cử hai người canh gác trong khi những người còn lại nằm ngủ. Con hổ âm thầm tới và tấn công nhanh như chớp. Con hổ đã ngoạm vào một người lính và lôi xuống một hố bom cách đó 10m. Cả nhóm lính Mỹ mau chóng đuổi theo và nổ súng vào con thú dữ. Người lính bị cọp tha lê ra khỏi hố bom, anh ta bị xé rách cổ. Con thú đo được hơn 3m Từ đầu đến đuôi. Vụ cọp tấn công này diễn ra gần địa điểm mà một lính thủy đánh bộ Mỹ đã bị một con hổ giết chết vào ngày 12 tháng 11 năm 1967. Một nhóm lính Mỹ dày dạn kinh nghiệm và hai thợ săn người Việt Nam đã được phái đến săn con cọp dữ ấy nhưng không thành công.

Trong một đêm vào năm 1968, một nhóm sáu lính thủy đánh bộ Mỹ tuần tra ở Quảng Nam chia phiên để nghỉ ngơi. Một thành viên trong nhóm cảm thấy có gì đó kéo chân mình chỉ có thể nhận ra một cái bóng lớn đứng bên cạnh mình trước khi nó trượt vào bóng tối. Cả nhóm im lặng và cái bóng màu đen trở lại, định tóm lấy một người trong nhóm. Cả nhóm nổ súng và sau đó họ phát hiện một con hổ rất lớn nặng đến 200 kg đã bị trúng đạn chết. Tuy vậy, những tiếng súng này khiến vị trí của nhóm lính Mỹ bị lộ và họ được lệnh lập tức phải rời vị trí để trở về căn cứ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hổ vồ người http://www.bforest.gov.bd/highlights.php http://www.dnaindia.com/report.asp?newsid=1180734&... http://books.google.com/books?id=XFIbjBEQolMC&lpg=... http://news.msn.com/world/tiger-evades-hunters-kil... http://www3.nationalgeographic.com/animals/mammals... http://tin321.com/phap-luat/hy-huu-nhung-vu-bom-ru... http://in.news.yahoo.com/071017/48/6m2sw.html http://dsal.uchicago.edu/digbooks/digpager.html?BO... http://dsal.uchicago.edu/digbooks/digpager.html?BO... http://dsal.uchicago.edu/digbooks/digpager.html?BO...